Cấp bộ, tỉnh sẽ được ban hành điều kiện kinh doanh?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung thẩm quyền ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh của bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, nếu được giao trong luật…

Cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết

Đây là một trong những nội dung tại dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Nhìn chung có không ít thay đổi trong các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh được đưa ra trong dự thảo này.

Theo quy định hiện hành, điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi đề xuất sửa đổi thành “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trừ trường hợp được giao trong luật.”

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sửa đổi này để bổ sung thẩm quyền ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh của bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nếu được giao trong luật nhằm thống nhất với quy định tại Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo cũng đề xuất bãi bỏ 14 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 12 ngành, nghề và bổ sung 5 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật.

Dự thảo cũng nêu rõ, điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau: a) Giấy phép; b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện; c) Chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; d) Văn bản xác nhận; d) Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản.”

Đồng thời, quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải có các nội dung sau: a) Đối tượng và phạm vi áp dụng; b) Hình thức áp dụng của điều kiện đầu tư kinh doanh; c) Nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh; d) Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có); đ) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính và quản lý nhà nước đối với điều kiện đầu tư kinh doanh; e) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc các chấp thuận khác (nếu có).

Sưu tầm