Đề xuất áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam từ năm 2020

Tại dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) vào Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng IFRS vào Việt Nam theo 02 giai đoạn và bắt đầu từ năm 2020.

Đổi mới hệ thống kế toán, kiểm toán

Tại Hội thảo Áp dụng IFRS tại các nước đang phát triển, kinh nghiệm và giải pháp cho Việt Nam do Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phối hợp với Hiệp Hội Kế toán công chứng Australia tổ chức sáng ngày 6/8/2019, PGS.,TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế quốc tế mới, với xu thế hội nhập, yêu cầu mới đòi hỏi các nước cũng như Việt Nam cần lựa chọn phương án và xây dựng lộ trình để đưa hệ thống IFRS vào áp dụng. “Đây là một thách thức và cũng là thời cơ để Việt Nam đổi mới toàn bộ hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam.” – PGS.,TS. Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.

Áp dụng IFRS sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế của VAS hiện hành; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán; góp phần nâng cao tính minh bạch của các thông tin tài chính …

Đại diện đơn vị chủ trì xây dựng Đề án áp dụng IFRS vào Việt Nam, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, áp dụng IFRS sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế của Chuẩn mực báo cái tài chính Việt Nam (VAS) hiện hành; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán; đáp ứng yêu cầu quá trình cải cách thể chế, hội nhập quốc tế.

Theo đó, góp phần nâng cao tính minh bạch của các thông tin tài chính hữu ích, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp; đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các nguồn vốn và niêm yết trên thị trường quốc tế. Từ đó, giúp Việt Nam được công nhận là một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Nhận thức rõ những lợi ích mà IFRS mang lại, Đề án áp dụng IFRS vào Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng phương án, lộ trình, cách thức áp dụng Chuẩn mực kế toán đối với từng nhóm đối tượng cụ thể tại Việt Nam; Xây dựng hệ thống Chuẩn mực VAS phù hợp với IFRS; Cập nhật hệ thống VAS và ban hành mới một số chuẩn mực kế toán mà Việt Nam chưa có trên cơ sở hệ thống IFRS/IAS có tính đến điều kiện đặc thù của Việt Nam; Nêu rõ sự khác biệt giữa Chuẩn mực kế toán với cơ chế tài chính và chính sách thuế của Việt Nam để làm rõ giới hạn phạm vi áp dụng của chuẩn mực kế toán, cơ chế tài chính và chính sách thuế.

Áp dụng IFRS theo 02 giai đoạn

Để áp dụng IFRS vào Việt Nam hiệu quả, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng IFRS theo lộ trình gồm 02 giai đoạn, cụ thể:

– Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025: Theo cơ quan soạn thảo, giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 còn gọi là giai đoạn tự nguyện. Theo đó, đối với báo cáo tài chính hợp nhất, các doanh nghiệp sau có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất. Đối với báo cáo tài chính riêng, các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính riêng.

Hội thảo Áp dụng IFRS tại các nước đang phát triển, kinh nghiệm và giải pháp cho Việt Nam do VAS với CPA Australia tổ chức sáng ngày 6/8/2019.

– Giai đoạn từ sau năm 2025: Đây là giai đoạn bắt buộc áp dụng IFRS. Trong đó, báo cáo tài chính hợp nhất áp dụng đối với công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước; công ty mẹ là công ty niêm yết; công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết. Đối với báo cáo tài chính riêng, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn trước, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm áp dụng tự nguyện hoặc áp dụng bắt buộc IFRS để lập báo cáo tài chính riêng cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi. NHNN quy định việc áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng tự nguyện IFRS để lập báo cáo tài chính riêng cho từng đối tượng cụ thể thuộc nhóm các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

Khi áp dụng IFRS doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước.

Để triển khai áp dụng IFRS theo lộ trình trên, trong giai đoạn từ năm 2019 đến hết năm 2021, Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng IFRS từ năm 2022, như: Ban hành Thông tư hướng dẫn việc áp dụng IFRS và công bố bản dịch IFRS từ tiếng Anh sang tiếng Việt; Xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thực hiện IFRS; Bổ sung, sửa đổi và ban hành mới cơ chế tài chính liên quan đến việc áp dụng IFRS; Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các doanh nghiệp…

Hiện nay, 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm tỷ lệ 93%) đã tuyên bố chính thức về việc áp dụng IFRS với các hình thức khác nhau. Trong đó, có 119/143 (chiếm tỷ lệ 83,2%) quốc gia và vùng lãnh thổ đã yêu cầu bắt buộc sử dụng các chuẩn mực của IFRS đối với tất cả hoặc hầu hết các đơn vị lợi ích công chúng trong nước.

(-st-)