Các thủ tục cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp

Căn cứ quy định hiện hành thì những thủ tục hành chính cơ bản cho việc hoạt động của công ty sau bước đăng ký thành lập doanh nghiệp như sau:

Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải nội dung đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp thuộc phạm vi mình quản lý lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Chi phí: 100.000 đồng.

Khắc con dấu

Luật Doanh nghiệp năm 2020 ghi nhận dấu của doanh nghiệp tồn tại dưới 02 hình thức bao gồm:

– Dấu được làm tại cơ sở khắc dấu;

– Dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp.

Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ được toàn quyền quyết định về nội dung của dấu mình sử dụng mà không chịu ràng buộc bởi quy định pháp luật.

Không những vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 còn trao cho doanh nghiệp quyền quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

Mở tài khoản ngân hàng

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp và thông báo về việc sử dụng tài khoản ngân hàng với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính).

Nộp tờ khai và thuế môn bài

Thuế môn bài là khoản tiền mà doanh nghiệp phải nộp định kỳ hàng năm hoặc khi mới ra sản xuất, kinh doanh.

Mức thu lệ phí môn bài

Khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC quy định mức thu lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

– Doanh nghiệp có vốn điều lệ > 10 tỷ đồng: Mức thu là 03 triệu đồng/năm;

– Doanh nghiệp có vốn điều lệ < 10 tỷ đồng: Mức thu là 02 triệu đồng/năm.

Hạn nộp thuế

Hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm (theo Khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

Hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài

Hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh (Khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/ND-CP).

Lưu ý: Theo điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2021/NĐ-CP lệ phí môn bài thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được miễn trong năm đầu.

Treo biển hiệu công ty

Nội dung biển hiệu

Biển hiệu công ty phải có nội dung sau:

– Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

– Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Địa chỉ, điện thoại.

Chữ viết trên biển hiệu

– Biển hiệu của doanh nghiệp phải bảo đảm mỹ quan;

– Biển hiệu phải được viết bằng tiếng Việt.

Trong trường hợp doanh nghiệp muốn thể hiện tên viết tắt; tên giao dịch quốc tế; tên, chữ nước ngoài thì phải ghi ở phía dưới và có kích thước nhỏ hơn tên chữ Việt Nam.

Kích thước biển hiệu

– Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

– Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Điều cấm khi đặt biển hiệu

– Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả;

– Không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Việc không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.

Trên đây là bài tư vấn của Dịch vụ 3S về Các thủ tục cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp. Mọi ý kiến thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Hotline 0948 689 869 để gặp luật sư tư vấn.