Quy định về liên đới bồi thường thiệt hại

Thế nào là liên đới bồi thường thiệt hại là gì? Trường hợp nào phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại? Bài viết dưới Dịch vụ 3S sẽ hướng dẫn bạn về Trường hợp liên đới bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Liên đới bồi thường thiệt hại là gì?

Liên đới bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất tinh thần cho bên bị thiệt hại trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại cho người bị thiệt hại.

Trường hợp phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại

Khi xem xét về trách nhiệm bồi thường của nhiều người cùng gây thiệt hại thì cần phải căn cứ vào những điều kiện sau:

  • Có thiệt hại thực tế xảy ra.

Trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về vật chất hoặc sự thiệt hại về tinh thần thực tế xảy ra do nhiều người cùng gây ra thiệt hại đó.

Sự thiệt hại về vật chất là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ; thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định.

Thiệt hại về tinh thần được hiểu là do tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, tín nhiệm, lòng tin… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

  • Hành vi của những người liên đới gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật.

Hành vi trái pháp luật trong trách nhiệm dân sự là những xử sự cụ thể của chủ thể được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Những người liên đới gây thiệt hại phải đều có lỗi.

Lỗi là thái độ chủ quan của người gây thiệt hại, là sự thể hiện ý chí của người đó khi thực hiện hành vi gây thiệt hại.

Một người chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý khi họ có lỗi, tức là họ có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình.

Nghĩa là khi nhiều người cùng thực hiện hành vi gây thiệt hại thì tất cả những người đó đều có lỗi trong khi thực hiện hành vi của mình.

Do đó, nếu nhiều người cùng thực hiện hành vi gây thiệt hại mà trong đó có người không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình thì họ không bị coi là có lỗi và không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Cùng gây thiệt hại không chỉ đối với hành vi với mục đích gây ra thiệt hại được thể hiện với lỗi cố ý mà còn áp dụng đối với các hành vi với lỗi vô ý.

Trong trường hợp này vẫn phải bảo đảm tính chủ thể là nhiều người cùng gây thiệt hại cho một đối tượng.

Việc xác định lỗi trong bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra để xác định phần bồi thường thiệt hại của mỗi người.

  • Hành vi của những người gây thiệt hại cùng dẫn đến một hậu quả.

Sự thống nhất về hậu quả thường xảy ra trong những trường hợp có hành vi trái pháp luật và trường hợp hậu quả là những thiệt hại về tài sản xác định được.

Thống nhất với nhau về mặt hậu quả là trường hợp người gây thiệt hại đã thực hiện các hành vi xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có ý chí.

Ngoài ra, cũng tồn tại những trường hợp cho dù người thực hiện hành vi gây thiệt hại không có chủ đích, không cố ý nhưng do hành vi vô ý của họ mà đã dẫn đến thiệt hại cho người khác.

Như vậy trách nhiệm liên đới thuộc về những người có hành vi vô ý gây thiệt hại được xác định là cùng thống nhất với nhau về mặt hậu quả.

  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của những người cùng gây thiệt hại với hậu quả xảy ra.

Hành vi gây thiệt hại của những người cùng gây thiệt hại có thể khác nhau về mức độ nhưng cùng đem lại hậu quả là gây thiệt hại cho người khác.

Thiệt hại xảy ra chính là kết quả trực tiếp, tất yếu từ những hành vi của những người gây thiệt hại.

Xét trong mối quan hệ nhân quả này thì hành vi trái pháp luật của những người cùng gây thiệt hại đã gây ra một tổng thể thiệt hại cho người bị thiệt hại.

Do đó những người thực hiện hành vi này phải cùng nhau bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra cho người bị thiệt hại.

Mức bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Căn cứ theo quy định tại Điều 587 Bộ luật dân sự 2015 thì việc bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra được quy định cụ thể như sau:

Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Như vậy, để xác định mức bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra thì phải căn cứ vào mức độ gây thiệt hại do lỗi của từng người gây ra.

Và tất cả những người đó cùng có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại theo nguyên tắc xác định thiệt hại thực tế của Bộ luật dân sự năm 2015.

Trên đây là bài tư vấn của Dịch vụ 3S về Quy định về liên đới bồi thường thiệt hại. Mọi ý kiến thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Hotline 0948 689 869 để gặp luật sư tư vấn.