Quy trình bảo hộ thương hiệu

Trong tiến trình toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, mối quan tâm của các nước trên thế giới về vấn đề bảo hộ thương hiệu ngày càng được nâng cao rõ rệt. Vậy pháp luật Việt Nam hiện hành quy định như thế nào về vấn đề này? Những quy định về bảo hộ nhãn hiệu mới nhất sẽ được Dịch vụ 3S  trình bày rõ ràng trong bài viết sau đây.

Bảo hộ thương hiệu là gì?

Thương hiệu được hiểu là một tập hợp những cảm nhận của khách hàng về một công ty, một sản phẩm hay dịch vụ, là dấu hiệu nhận biết riêng biệt. Đây là thuật ngữ được sử dụng trong lĩnh vực Marketing của doanh nghiệp, thực chất là chỉ nhãn hiệu – một đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005. Theo đó, thương hiệu (nhãn hiệu) là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Từ đó, có thể hiểu, bảo hộ thương hiệu là tổng hợp tất cả các hoạt động trên các mặt luật pháp, tổ chức, hành chính, kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật… nhằm mục đích xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có quyền.

Điều kiện bảo hộ đối với thương hiệu

Tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về điều kiện thương hiệu được bảo hộ cụ thể như sau:

Một là, thương hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Theo đó, hình thức của thương hiệu có thể được chuẩn bị dưới dạng đơn thuần là từ ngữ, là chữ cái, là các hình vẽ, hình ảnh hay các thiết kế logo, sự kết hợp của các màu sắc,… hoặc dưới hình thức là sự kết hợp của những yếu tố đó. Đây là một điều kiện để được đăng ký độc quyền thương hiệu, nhằm mục đích bảo hộ thương hiệu.

Hai là, thương hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Khả năng phân biệt được quy định tại Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005 có thể hiểu là: thứ nhất là dễ nhận biết, thứ hai là dễ ghi nhớ, thứ ba là không thuộc các trường hợp loại trừ được quy định tại khoản 2 Điều 74. Như vậy, nếu thương hiệu đơn thuần là từ ngữ, để dễ nhận biết, dễ ghi nhớ thì không nên quá dài; đối với thương hiệu là một logo thì không nên kết hợp quá nhiều yếu tố, chi tiết, màu sắc,… mà không theo một quy luật nào; ngoài ra, 13 trường hợp thương hiệu được loại trừ tại Khoản 2 Điều 74 là những trường hợp cần lưu ý không thực hiện khi thiết kế nhãn hiệu để tránh trường hợp bị Cục sở hữu trí tuệ từ chối cấp bằng bảo hộ.

Thủ tục bảo hộ thương hiệu

Để đăng ký bảo hộ thương hiệu thì cá nhân, tổ chức thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Tra cứu khả năng bảo hộ của thương hiệu thông qua hai phương thức là tra cứu sơ bộ và tra cứu chuyên sâu.

Bước 2: Soạn đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật, bao gồm các thành phần sau:

– 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu;

– 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo;

– Chứng từ nộp phí, lệ phí;

– Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận (trong trường hợp đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận);

– Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng của sản phẩm mang nhãn hiệu (trong trường hợp đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận);

– Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

– Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

– 01 giấy uỷ quyền (nếu nộp thông qua đại diện);

– Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ có chứa các biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế…);

– Tài liệu xác nhận quyền đăng ký;

– Tài liệu xác nhận thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

Bước 3:  Nộp hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc văn phòng đại diện của Cục tại Đà Nẵng và Hồ Chí Minh.

Bước 4: Theo dõi quá trình giải quyết và nhận kết quả của việc bảo hộ thương hiệu.

Trình tự và thời hạn xử lý hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký

Hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu sẽ được Cục sở hữu trí tuệ tiếp nhận khi có đầy đủ thành phần theo quy định của pháp luật. Nếu hồ sơ không đúng nội dung, hoặc chưa đầy đủ thành phần thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ từ chối tiếp nhận hồ sơ.

Bước 2: Thẩm định hình thức hồ sơ đăng ký

Thời hạn thẩm định hình thức hồ sơ là 01 tháng, kể từ ngày nộp đơn. Thẩm định sẽ đưa ra một trong những kết quả sau:

  • Nếu đơn hợp lệ thì Cục sở hữu trí tuệ ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
  • Nếu đơn chưa hợp lệ thì:

+ Thông báo về việc đơn chưa hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối;

+ Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối nhận hồ sơ chưa hợp lệ;

Bước 3: Công bố hồ sơ đăng ký thương hiệu

Hồ sơ hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.

Bước 4: Thẩm định nội dung hồ sơ đăng ký

Pháp luật hiện hành quy định hời hạn thẩm định nội dung hồ sơ đăng ký thương hiệu là không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.

Bước 5: Cấp văn bằng bảo hộ

Trên đây là bài tư vấn của Dịch vụ 3S về Quy trình bảo hộ thương hiệu. Mọi ý kiến thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Hotline 0948 689 869 để gặp luật sư tư vấn.