Sáng chế và phát minh có giống nhau không?

Trong ngôn ngữ đời thường, từ sáng chế và phát minh đôi khi được sử dụng lẫn lộn, không rõ ràng, và rất nhiều người hiểu là sáng chế và phát minh là 2 khái niệm giống nhau.

Tuy nhiên, sáng chế và phát minh là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Về “Sáng chế”

Tại Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định : “Sáng chế “ là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Ví dụ như Roger Bacon người Anh sáng chế ra kính lúp, Alexander Graham Bell người Mỹ sáng chế ra điện thoại. Như vậy, “sáng chế” là giải pháp kỹ thuật mà phải nhờ quá trình đầu tư về tài chính, nhân lực mới có thể tạo ra, nó không tồn tại có sẵn trong tự nhiên.

“Sáng chế” là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và được bảo hộ độc quyền về nội dung. Để được bảo hộ sáng chế cần phải đáp ứng 3 tiêu chí được quy định tại Điều 58 Luật sở hữu trí tuệ bao gồm:

+ Có tính mới (so với thế giới)

+ Có trình độ sáng tạo

+ Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Về “Phát minh”

“Phát minh” là việc phát hiện ra các quy luật, hiện tượng và sự vật trong tự nhiên mà trước đó con người chưa biết tới. Ví dụ một ngày đẹp trời, Newton phát hiện quả táo rơi xuống đất, ông mới phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn. Định luật này đã tồn tại trong tự nhiên rồi, tuy nhiên, trước Newton, do nhận thực của con người hạn chế, vì vậy chưa ai phát hiện ra. Phát minh tồn tại trong khoa học tự nhiên, không tồn tại trong khoa học xã hội, con người áp dụng phát minh để giải thích thế giới khách quan, nhưng phát minh không thể trực tiếp vào quá trình sản xuất.

Ý nghĩa của phát minh chính là ở chỗ nó nâng cao hiểu biết của cong người đối với thế giới vật chất, từ đó chế ngự nó để phục vụ cho lợi ích của loài người. Phát minh khi thỏa mãn các điều kiện được pháp luật quy định tại Điều 13 và Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ về chủ thể và các loại hình tác phẩm được bảo hộ. Phát minh là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, không được bảo hộ về nội dung mà chỉ được bảo hộ hình thức.

Sự khác nhau giữa “Sáng chế ” với “Phát minh”

Sự khác nhau giữa “Sáng chế” và “Phát minh” là rất cơ bản, phát minh không phải là sáng chế bởi do không có tính mới và không được bảo hộ là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp.

Tuy nhiên, “Sáng chế ” và “Phát minh” cũng có những mối quan hệ với nhau:

− Những phát minh là tiền đề cho nhiều sáng chế: phát hiện ra tia X-Quang đã làm nảy sinh những sáng chế về thiết bị sử dụng tia X-Quang để chẩn đoán và chữa bệnh

− Trong nhiều trường hợp, sáng chế lại làm xuất hiện phát minh: Kính thiên văn được sáng chế năm 1608 và đã được Galileo Galilei sử dụng để quan sát bầu trời xa thẳm và nhờ đó đã phát hiện ra những dãy núi trên mặt trăng. Trong trường hợp này, Galileo không sáng chế ra những dãy núi, ông đã phát hiện ra chúng nhờ kính thiên văn!

Trên đây là bài tư vấn của Dịch vụ 3S về Sáng chế và phát minh có giống nhau không. Mọi ý kiến thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Hotline 0948 689 869 để gặp luật sư tư vấn.