Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại là trách nhiệm của các chủ thể do hành vi trái pháp luật của mình gây ra đối với bên bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể phát sinh từ hợp đồng dân sự hoặc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Khi đó, chủ thể có quyền và lợi ích bị xâm phạm có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên gây thiệt hại không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ này. Vậy có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong thời hạn bao lâu? Bài viết dưới đây của Dịch vụ 3S sẽ thông tin đến bạn các vấn đề liên quan đến Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là gì?

Khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Như vậy, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị xâm phạm. Hết thời hiệu khởi kiện đó thì người có quyền khởi kiện mất quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại như đã nêu là cần thiết, buộc các đương sự phải ý thức được việc bảo vệ quyền lợi của mình và sớm có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh tình trạng khởi kiện tuỳ hứng, gây khó khăn cho quá trình giải quyết tranh chấp đó.

Quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với trường hợp bồi thường thiệt hại phát sinh từ thỏa thuận trong hợp đồng là khác nhau.

Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Như vậy, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ quan hệ hợp đồng là 03 năm kể từ ngày người có quyền biết hoặc phải biết có hành vi gây thiệt hại của chủ thể  và quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Hết thời hạn 03 năm như đã nêu, chủ thể bị thiệt hại bị mất quyền khởi kiện nếu không có lý do chính đáng cho việc khởi kiện quá thời hạn pháp luật cho phép.

Điều 588 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

 Như vậy, trong trường hợp này, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng là 03 năm kể từ thời điểm người có quyền khởi kiện biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Quy định về thời hiệu trong trường hợp này tương tự như quy định về thời hiệu khởi kiện bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.

Khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại

Pháp luật hiện hành quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, có thời gian nhất định mà pháp luật quy định không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 156 quy định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình:

– Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân hoặc người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Trên đây là bài tư vấn của Dịch vụ 3S về Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mọi ý kiến thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Hotline 0948 689 869 để gặp luật sư tư vấn.