0948 689 869

Trách nhiệm bảo hành công trình xây dựng

Việc đơn phương trừ bảo hành và trừ thuế vào tiền công lao động ngoài thỏa thuận hợp đồng như vậy có đúng luật không?

Đề nghị tư vấn:

Tháng 6/2014 tôi có thay mặt một số nhân công lao động ký một hợp đồng làm thuê nhân công xây dựng đê biển tại Nam Định cho Công ty cổ phần Lochsa có trụ sở tại Hà Nội với trị giá hợp đồng là 26 tỷ đồng. Sau hơn 3 tháng vượt qua 2 cơn bão và 3 áp thấp chúng tôi đã làm hoàn thành phần móng dưới biển  (đây là hạng mục khó khăn nhất và cũng đã qua mùa bảo), đã được Chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán giai đoạn cho Lochsa (riêng sản lượng hợp đồng chúng tôi đạt 6 tỷ đồng). Lúc đó Lochsa đã có tiền họ không cần chúng tôi nữa, họ mua máy, thuê máy tự làm lấy. Theo thỏa thuận hợp đồng thì họ phải ứng vốn cho chúng tôi 40% và sau khi được thanh toán giai đoạn sẽ thanh toán 80% giá trị hoàn thành, nhưng Lochsa không thực hiện cam kết tài chính nhằm buộc chúng tôi phải rời khỏi công trình. Với chúng tôi điều ấy không sao chỉ cần Lochsa thanh toán khối lượng đã làm và đã được nghiệm thu là đủ nhưng đến khi thanh toán thì có chuyện phát sinh:

– Theo hợp đồng thì nhân công không có điều khoản bảo hành công trình, càng không có tỷ lệ % bảo hành nhưng khi làm quyết toán họ tự ý trừ 10% gọi là bảo hành, đến bao giờ mới trả thì không rõ.

– Theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng không ghi “đơn giá đã bao gồm thuế”, điều kiện thanh toán chỉ yêu cầu giá trị hoàn thành được nghiệm thu,  không ghi phải có hóa đơn thuế nhưng khi thanh toán họ tự ý trừ 10% gọi là thuế mà không thảo luận gì với chúng tôi.

Chúng tôi không chấp nhận việc thanh toán tùy tiện như vậy, đã nhiều lần đề nghị (bằng văn bản) được thảo luận thanh toán bình đẳng nhưng không được chấp nhận (Phớt, không tiếp, không nghe điện thoại, không trả lời đơn đề nghị…).

– Trường hợp như tôi vừa trình bày ở trên: Việc đơn phương  trừ bảo hành và trừ thuế vào tiền công lao động ngoài thỏa thuận hợp đồng như vậy có đúng luật không?

– Nếu Lochsa không làm việc bình đẳng với chúng tôi thì những người lao động chúng tôi sẽ phải làm gì để tìm lại công bằng?

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất: Vấn đề bảo hành

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đứng ra nhận công trình và ký kết hợp đồng với Công ty Lochsa thực hiện toàn bộ công trình, tuy nhiên sau khi hoàn thành giai đoạn của phần móng công tình dưới biển, bên Lochsa tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên bạn và người lao động đồng thời yêu cầu bảo hành đối với phần mà chủ đầu tư đã nghiệm thu.

Vấn đề bảo hành được quy định tại Điều 34 Nghị định 15/2013/NĐ-CP:

Điều 34. Bảo hành công trình xây dựng

1. Nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị. Thời hạn bảo hành công trình kể từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng hoặc căn cứ theo quy định của Hợp đồng xây dựng, Hợp đồng cung ứng thiết bị nhưng phải tuân theo quy định sau:

a) Không ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I;

b) Không ít hơn 12 tháng đối với các công trình cấp còn lại;

c) Thời hạn bảo hành công trình nhà ở thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở.

2. Trong thời hạn bảo hành, nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình phải thực hiện việc bảo hành sau khi nhận được thông báo của chủ đầu tư. Nếu các nhà thầu nêu trên không tiến hành bảo hành thì chủ đầu tư có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác sửa chữa.

3. Chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng với các nhà thầu tham gia xây dựng công trình về quyền và trách nhiệm của các bên trong bảo hành công trình xây dựng; mức tiền bảo hành và việc lưu giữ, sử dụng, hoàn trả tiền bảo hành theo quy định của pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

Đồng thời giá trị bảo hành được quy định tại khoản 2 Điều 45 Nghị định 48/2010/NĐ-CP: ” 2. Bảo hành

a) Bên nhận thầu có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng. Việc bảo hành công trình được quy định như sau:

– Đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I: thời hạn bảo hành không ít hơn 24 tháng kể từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, mức bảo hành là 3% giá trị hợp đồng.

– Đối với các công trình còn lại: thời hạn bảo hành không ít hơn 12 tháng, mức bảo hành là 5% giá trị hợp đồng.

b) Bảo đảm bảo hành có thể thực hiện bằng hình thức bảo lãnh hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận;

c) Bên nhận thầu chỉ được hoàn trả bảo đảm bảo hành công trình sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành;

d) Trong thời hạn bảo hành, bên nhận thầu phải thực hiện việc bảo hành trong vòng hai mốt (21) ngày kể từ ngày nhận được thông báo sửa chữa của bên giao thầu; trong khoảng thời gian này, nếu bên nhận thầu không tiến hành bảo hành thì bên giao thầu có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác sửa chữa.”

Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật, nhận thấy rằng bên bạn chỉ phải bảo hành trong trường hợp công trình đã được nghiệm thu vào sử dụng hoặc trong hợp đồng có thỏa thuận và mức bảo hành có thể là 3% hoặc 5% giá trị hợp đồng dựa trên quy định nêu trên. Trường hợp của bạn nếu hợp đồng không có thỏa thuận khác mà do bên Công ty Lochsa tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng nên vấn đề bảo hành không được đặt ra. Theo đó, trách nhiệm bảo hành được đặt ra giữa Công ty Lochsa và chủ đầu tư.

Thứ hai: Vấn đề thuế của người lao động

Trước tiên bạn cần xác định hợp đồng lao động giữa người lao động với Công ty Lochsa là thời vụ dưới 03 tháng hay từ 03 tháng trở lên. Đối với người lao động có ký kết hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng thì khi trả thu nhập cho người lao động thì doanh nghiệp cần tiến hành khấu trừ 10% trên tổng mức thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên.

Lưu ý: Theo quy định tại Thông tư 156/2013/TT-BTC, trường  hợp người lao động mà đơn vị bạn nhận thi công công trình có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên, tuy nhiên nếu người lao động ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm bản cam kết thu nhập theo mẫu 23/CK-TNCN gửi Công ty Lochsa – đơn vị trả thu nhập để làm căn cứ chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, đồng thời người lao động làm bản cam kết cần có mã số thuế cá nhân.

Nếu người lao động ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, yêu cầu doanh nghiệp trả thu nhập thực hiện khấu trừ theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.

Thứ ba: Giải quyết trường hợp tranh chấp hợp đồng

Nếu sau khi tiến hành làm đơn đề nghi và trải qua bước hòa giải mà không thành hoặc không thể hòa giải, để đảm bảo cho quyền và lợi hợp pháp của bạn những người lao động cần tiền hành làm thủ tục khởi kiện ra Tòa án cấp quận (huyện) nơi công ty có trụ sở chính để giải quyết.

Phòng Dự án – Xây dựng – Bất động sản