0948 689 869

Vay tiền không trả phải làm thế nào để đòi nợ? Hành vi bỏ trốn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ vay có phạm tội không?

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định

Đề nghị tư vấn:

Cách đây 6 tháng tôi có đứng ra vay cho một người số tiền 50 triệu đồng, và được vay theo hình thức trả góp với công ty tài chính. Người đó hứa sẽ trả khoản vay hằng tháng, nhưng đã 4 tháng nay người đó đã không chịu trả và trốn tránh tôi. Vì lúc cho vay tôi không có giấy tờ gì. Vậy liệu tôi có thể có căn cứ để khởi kiện không ạ. Rất mong được tư vấn của quý công ty.

Luật sư tư vấn:

1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

Bộ luật dân sự 20152. Giải quyết vấn đề

Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”

Như vậy, pháp luật không có quy định bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải bằng văn bản nhưng văn bản là hình thức rõ ràng nhất để ghi nhận mối quan hệ vay tài sản giữa bạn và người bạn kia trên thực tế để tiến hành khởi kiện. Nếu không có hợp đồng vay bằng văn bản thì bạn phải có những bằng chứng liên quan đến việc bạn vay hộ tiền cho người bạn kia thông qua những bản ghi âm, clip, tin nhắn…

Trường hợp thứ nhất, khi có một trong những bằng chứng ghi nhận về việc bạn vay tiền thay người kia và người kia có hành vi trốn tránh, không chịu trả cho bạn thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.”

Theo đó nếu có bằng chứng về việc vay tài sản như văn bản (giấy viết tay, thư điện tử…), ghi âm, ghi hình,… và bên kia có hành vi bỏ trốn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ vay của bạn thì họ có thể bị xem xét về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Bên cạnh đó, khi có các bằng chứng liên quan về hợp đồng vay bạn còn có thể khởi kiện yêu cầu người đó thanh toán lại tiền vay cũng như khoản tiền lãi khi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền vay cho bạn. Căn cứ quy định Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

“Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Lãi suất trong hợp đồng vay để xác định nghĩa vụ thanh toán trong trường hợp này được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Như vậy, nếu vào thời điểm cho vay bạn không có giấy tờ, bằng chứng ghi nhận nợ giữa bên kia với mình, bây giờ bạn vẫn có thể gọi điện, nhắn tin với họ để ghi nhận về sự tồn tại của hợp đồng vay và mức lãi suất đặt ra (nếu có). Đó sẽ là căn cứ để phía bên cơ quan công an hoặc Tòa án nhân dân xem xét về hành vi của người này và có biện pháp xử lý phù hợp với người này.

Ngược lại, nếu bạn không có bất cứ bằng chứng nào ghi nhận về quan hệ vay hộ giữa bạn và người kia phát sinh trên thực tế thì việc khởi kiện của mình là không có căn cứ, rất khó để chứng minh và gần như là không thể đòi lại khoản tiền đã vay hộ.

Phòng SHTT và Dân sự