Tăng tiền bồi dưỡng cho hòa giải viên lao động theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP

Nghị định 145/2020/NĐ-CP mới được ban hành hướng dẫn một số quy định về các chế độ, điều kiện trong hoạt động của hòa giải viên trong đó, mức bồi dưỡng cho hòa giải viên đã được thay đổi và có sự cải thiện. 

Theo pháp luật hiện hành, tại khoản 1 điều 7 Nghị định 46/2013/NĐ-CP quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động như sau:

“1. Hòa giải viên lao động trong những ngày được cử để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp hợp đồng đào tạo nghề được hưởng chế độ bồi dưỡng như đối với Hội thẩm theo quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết dân sự; được thanh toán công tác phí trong những ngày thực hiện công tác hòa giải theo chế độ công tác phí hiện hành và được bảo đảm các điều kiện cần thiết về phòng họp, tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ hòa giải tranh chấp lao động.

2. Kinh phí hoạt động của hòa giải viên lao động do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của hòa giải viên lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

 Theo đó, cụ thể hơn tại điểm d khoản 1 Điều 2 Quyết định 41/2012/QĐ-TTg quy định về chế độ bồi dưỡng đối với Hội thẩm là:

Điều 2. Chế độ bồi dưỡng

1. Đối tượng quy định tại Điều 1 Quyết định này hưởng chế độ bồi dưỡng tính theo ngày thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự như sau:

…..

d) Mức 90.000 đồng đối với Hội thẩm, kể cả ngày làm việc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án các cấp;”

Do đó, theo pháp luật hiện hành thì các Hòa giải viên được bồi dưỡng 90.000 kể cả ngày làm việc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án các cấp.

Tuy nhiên, chế độ bồi dưỡng đã có sự thay đổi theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khoản 1 điều 96 quy định:

1. Hòa giải viên lao động được hưởng các chế độ:

Mỗi ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động do cơ quan có thẩm quyền cử được hưởng tiền bồi dưỡng mức 5% tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ (từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CPngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ).

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định áp dụng mức bồi dưỡng cao hơn mức quy định tại điểm này phù hợp với khả năng ngân sách địa phương;”

Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:

  • Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
  • Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
  • Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
  • Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng là 3.710.000 đồng/tháng.

Như vậy, mỗi ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động do cơ quan có thẩm quyền cử được hưởng tiền bồi dưỡng mức 5% tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng (tương đương 185.500 đồng)

Trên đây là bài tư vấn của Dịch vụ 3S về Tăng tiền bồi dưỡng cho hòa giải viên lao động theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Mọi ý kiến thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Hotline 0948 689 869 để gặp luật sư tư vấn.